Nhiều bệnh ung thư, như là ung thư buồng trứng và một số ung thư thận, thường chỉ bị phát hiện khi mà chúng đã tiến triển rất mạnh, bởi vì chúng không có biểu hiện, triệu chứng trong giai đoạn tiền lâm sàng. Một trong những phát kiến lớn đáng chú ý trong những năm gần đây là việc tìm thấy DNA của các tế bào khối u thể rắn (solid tumor cells) trong máu. Nguyên nhân có thể là khi tế bào khối u chết đi sẽ giải phóng toàn bộ vật chất trong tế bào (bao gồm DNA) vào dòng chảy của máu.
Việc khám phá ra sự tồn tại của DNA khối u di chuyển trong máu (circulating tumor DNA – ctDNA) là rất quan trọng bởi vì nó tạo ra khả năng mà một xét nghiệm máu đơn giản cũng có thể phát hiện được các bệnh ung thư “thầm lặng”. Thực vậy, trong một nghiên cứu gần đây được thiết kế để phát hiện các vùng của 139 genes mà thường xuyên mang các đột biến soma trong non-small-cell lung carcinoma (NSCLC), ctDNA được phát hiện trong 50% bệnh nhân ở giai đoạn sớm (stage I) NSCLC và trong tất cả các bệnh nhân ung thư NSCLC ở giai đoạn sau (stage II-IV). Kiểu xét nghiệm ctDNA (ctDNA assay) này về lý thuyết là có thể áp dụng được cho nhiều loại ung thư khác nhau, và dường như là việc sàng lọc cho ctDNA sẽ trở thành một thành phần tiêu chuẩn cho việc phát hiện ung thư sớm trong tương lại cho các cá thể được biết là có nguy cơ với một ung thư cụ thể nào đó. Như vậy, khả năng sàng lọc để tìm các dấu vết ung thư bằng ctDNA trở thành hoạt động thường quy trong tương lại gần là rất lớn. Một minh chứng rõ rệt là việc gần đây người ta phân tích ctDNA của thai phụ để phát hiện các bất thường trong bào thai, nhưng lại phát hiện ra chính thai phụ đó bị ung thư. Như vậy có thể nói, thai phụ này là trường hợp đầu tiên được áp dụng phương pháp sàng lọc ctDNA này.
Các ứng dụng của ctDNA (nguồn: http://core-genomics.blogspot.com/)
Phân tích ctDNA còn có các ứng dụng tiềm năng đối với các bệnh nhân đã được chẩn đoán bị ung thư như là theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện ung thư tái phát triển, và thậm chí cung cấp thông tin chi tiết hỗ trợ quá trình tiên lượng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u, sự xuất hiện của ctDNA dư thừa sẽ liên quan tới sự gia tăng nguy cơ tái phát ung thư. Do đó, sàng lọc ctDNA sau phẫu thuật có thể sẽ hữu ích cho việc phát hiện các bệnh nhân cần được hóa trị để loại bỏ các tế bào khối u còn sót lại. Sự gia tăng ctDNA trong máu bệnh nhân ung thư mà đã được điều trị thành công có thể là dấu hiệu của sự tái phát ung thư. Phân tích trình tự ctDNA giúp theo dõi liên tục theo thời gian thực các vị trí đột biến của các tế bào khối u và có thể hữu ích cho việc tiên lượng bệnh. Và cuối cùng, ctDNA có thể được sử dụng một cách tin cậy đối với các bệnh nhân không đủ điều kiện sực khỏe hoặc không muốn thực hiện lấy mẫu sinh thiết. Ví dụ, với bệnh nhân ung thư NSCLC có sức khỏe rất yếu và không đáp ứng thuốc và với bệnh nhân ung thư phổi bị coi là nguy cơ cao với sinh thiết, thì phân tích ctDNA sẽ rất hữu ích để xác định đang có đột biến soma nào và giứp đưa ra quyết định thay đổi phương pháp điều trị. Sự phân tích ctDNA thường được gọi là “sinh thiết lỏng (liquid biopsy)” bởi tiềm năng của nó trong việc thực hiện các phân tích giống như sinh thiết khối u truyền thống.
Máu không phải là môi trường duy nhất để phát hiện ctDNA. Tùy vào từng loại ung thư, các DNA khối u cũng có thể tìm thấy trong phân, nước tiểu và huyết thanh. Việc phát hiện DNA ung thư ruột kết trong các mẫu phân là hoàn toàn khả thi và đã trở thành kit xét nghiệm thương mại. Việc phân tích DNA trong mẫu nước tiểu để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư bàng quang là một trong các hướng nghiên cứu đang được quan tâm.
(Dịch từ sách “Genomics & Personalized Medicine: What everyone Needs to Know, Michael Snyder)
LOBI Vietnam là công ty tiên phong trong lĩnh vực Đọc trình tự gen thế hệ mới NGS (Next Generation Sequencing) và Phân tích Tin sinh học. Liên hệ hotline/Zalo 092.510.8899 để biết thêm chi tiết.