Chân dung ba chiều được dựng từ DNA trong một dự án nghệ thuật

Năm 2013, một nghệ sĩ ở New York, cô Heather Dewey-Hagborg đã có một dự án rất thú vị có tên gọi “Hình dung của người xa lạ” (tên gốc “Stranger visions”). Là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học hình sự, Heather thực hiện tách DNA từ những thứ mọi người bỏ lại ở nơi công cộng như kẹo cao su, sợi tóc hoặc mẫu nước bọt trên cốc cà phê hay đầu mẩu thuốc lá để từ đó xây dựng các khuôn mặt ba chiều dựa vào các thông tin thu thập được từ các mẫu DNA đó.

Heather đã nảy ra ý tưởng độc đáo này khi quan sát một sợi tóc. Cô muốn khám phá xem cô có thể biết được bao nhiêu về một người nào đó từ những thứ họ vô tình bỏ lại. Và thực sự cô đã khám phá ra khá nhiều điều. Để có được những thông tin đầy đủ nhất về “người xa lạ”, cô cho biết phải thu những mẫu còn “mới”, “chưa bị dẫm lên hoặc đã ở đó từ rất lâu rồi”.

Những mẫu vật thu được cô mang đến một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học tại Brooklyn mang tên GenSpace. Tại đây các kỹ thuật viên sử dụng các quy trình tách chiết DNA tiêu chuẩn để tách lấy DNA và khuếch đại nó lên bằng phản ứng PCR.

“Từ các đầu mẩu thuốc lá, tôi có thể biết được nguồn gốc tổ tiên của người đó, giới tính, màu mắt, màu tóc, nước da, tàn nhang, trọng lượng tương đối và các kích thước khuôn mặt cũng như một vài gợi ý khác” – Heather nói. Và sau đó, cô đưa những thông tin đó lên máy tính và dùng nó để tạo ra các hình mẫu khuôn mặt dưới dạng ba chiều.

“Những thông tin tôi thu thập được chỉ như những bước phách họa bằng chì của người họa sĩ” Cô nói. “Tôi sẽ dùng những mẩu dữ liệu từ DNA đó và tạo ra một vài phiên bản khuôn mặt khác nhau, tùy chỉnh những đường nét khuôn mặt dựa vào những dữ liệu đó cho đến khi cảm thấy hài long”.

Sẽ mất khoảng 8 tiếng đồng hồ để Heather in ra một khuôn mặt ba chiều tại Studio NYU Advanced Media. Khi được in ra, các khuôn mặt được bọc trong một khối bột, nung  và làm cứng với một hợp chất dạng keo.

Mặc dù vậy, các khuôn mặt không hoàn toàn giống với phiên bản thực tế mà chỉ mang những nét chung của những người trong cùng một gia đình với “người xa lạ”. Đó cũng là một hạn chế của dự án.

“Chúng chỉ có những điểm tương đồng với người đó, chứ không thể hoàn toàn giống với người đó được”. Thêm nữa, từ các mẫu DNA, cô không thể nào xác định được tuổi của “người xa lạ”. Chính vì vậy, các khuôn mặt trong dự án được tạo ra ở với độ tuổi tầm 30. Một trong những khuôn mặt trong dự án nghệ thuật này chính là mặt của Heather, được thực hiện từ cách đó 2 năm.

Công chúng đón nhận dự án nghệ thuật này với nhiều phản ứng trái chiều nhau. Khá nhiều người hứng thú với những gì họ thấy, bên cạnh đó cũng có người đặt ra những câu hỏi về phạm trù đạo đức của dự án: có hay chăng quyền riêng tư của những “người xa lạ” đã bị xâm phạm. Nhưng đó cũng là thông điệp mà Heather muốn đem đến cho công chúng về vấn đề kiểm soát và bảo mật thông tin di truyền.

“Nếu mọi người thấy điều này (sử dụng thông tin di truyền để) là kì dị, cũng phải thôi. Bởi thế có nghĩa là bạn đã nhận thức được vấn đề  và biết rằng điều đó là có thể”. Mặc dù vậy, “Hình dung của người xa lạ” chỉ là một dự án nghệ thuật, một ý niệm mang đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Với Heather, “nó chỉ mang ý nghĩa là một sự khám phá khi khoa học, công nghệ và nghệ thuật giao thoa với nhau”.

“Và nó còn là một sự khiêu khích”.

Nguồn: CNN

http://edition.cnn.com/2013/09/04/tech/innovation/dna-face-sculptures/

LOBI Vietnam là công ty tiên phong trong lĩnh vực Đọc trình tự gen thế hệ mới NGS (Next Generation Sequencing) và Phân tích Tin sinh học. Liên hệ hotline/Zalo 092.510.8899 để biết thêm chi tiết.

ĐỌC THÊM:  Xác định SNP từ hệ phiên mã bóng bơi của cá nóc Takifugu rubripes
ĐỌC THÊM:  Vi sinh vật có thể là giải pháp cho vấn đề năng lượng toàn cầu hay không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *