Các câu hỏi thường gặp về xét nghiệm di truyền

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Xét nghiệm di truyền là gì? 

Xét nghiệm di truyền (genetic testing) là một loại xét nghiệm y tế xác định những thay đổi trong gen, nhiễm sắc thể hoặc protein. Kết quả của xét nghiệm di truyền có thể xác nhận hoặc loại trừ tình trạng di truyền nghi ngờ hoặc giúp xác định cơ hội phát triển hoặc di truyền chứng rối loạn di truyền của một người. Hơn 77.000 xét nghiệm di truyền hiện đang được sử dụng và những xét nghiệm khác đang được phát triển. 

Xét nghiệm di truyền là quá trình tìm kiếm những thay đổi trong: 

  • Gen: Xét nghiệm gen nghiên cứu trình tự ADN để xác định các biến thể (đột biến) trong gen có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ rối loạn di truyền. Xét nghiệm gen có thể ở phạm vi hẹp hoặc lớn, phân tích khối cấu tạo ADN riêng lẻ (nucleotit), một hoặc nhiều gen hoặc tất cả ADN của một người (được gọi là bộ gen của họ). 
  • Nhiễm sắc thể: Xét nghiệm di truyền nhiễm sắc thể phân tích toàn bộ nhiễm sắc thể hoặc độ dài dài của ADN để xem liệu có những biến dị di truyền lớn, chẳng hạn như một bản sao thêm của một nhiễm sắc thể, gây ra tình trạng di truyền. 
  • Protein: Các xét nghiệm di truyền sinh hóa nghiên cứu số lượng hoặc mức độ hoạt động của protein hoặc enzym; bất thường ở một trong hai có thể chỉ ra những thay đổi đối với ADN dẫn đến rối loạn di truyền. 

Xét nghiệm di truyền là tự nguyện do xét nghiệm di truyền có những lợi ích cũng như những hạn chế và rủi ro. Việc quyết định có nên xét nghiệm hay không hoàn toàn phục thuộc vào từng cá nhân. Vai trò của nhà di truyền học hoặc bác sỹ di truyền là trợ giúp các cá nhân ra quyết định bằng cách cung cấp thông tin về ưu và nhược điểm của từng xét nghiệm và thảo luận về các khía cạnh xã hội và cảm xúc của xét nghiệm.

Có những xét nghiệm di truyền gì?

Nhiều loại xét nghiệm di truyền được thực hiện để phân tích những thay đổi trong gen, nhiễm sắc thể hoặc protein. Các bệnh viện hoặc phòng khám sẽ cân nhắc một số yếu tố khi lựa chọn xét nghiệm thích hợp, bao gồm tình trạng của người bệnh và các biến thể di truyền thường liên quan đến các tình trạng bệnh tật đó. Nếu chẩn đoán không rõ ràng, xét nghiệm xem xét nhiều gen hoặc nhiễm sắc thể có thể được sử dụng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ một tình trạng bệnh tật cụ thể thì một xét nghiệm cụ thể hơn có thể được thực hiện. 

Một số loại xét nghiệm di truyền

Các xét nghiệm phân tử xác định những thay đổi trong một hoặc nhiều gen. Những loại xét nghiệm này xác định thứ tự của các đơn phân tạo nên ADN (nucleotide) trong mã di truyền của một cá thể, một quá trình được gọi là giải trình tự ADN. Các xét nghiệm này có thể khác nhau về phạm vi: 

  • Biến dị di truyền đơn điểm (single variant): Các xét nghiệm này nhằm xác nhận một biến dị di truyền đơn điểm cụ thể trong một gen. Các biến dị di truyền đơn điểm này thường là các biến dị di truyền gây ra rối loạn di truyền (ví dụ, biến dị di truyền trong gen HBB gây ra bệnh hồng cầu hình liềm). Loại xét nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra các thành viên trong gia đình của một người được biết là có một biến thể cụ thể, để xác định xem họ có mắc bệnh di truyền trong gia đình hay không. Ngoài ra, các công ty xét nghiệm di truyền thường phân tích một số biến dị di truyền đơn điểm cụ thể trong các gen gây bệnh (thay vì tìm tất cả các biến thể trong các gen đó) khi cung cấp thông tin về sức khỏe hoặc nguy cơ bệnh tật. 
  • Đơn gen: Các xét nghiệm đơn gen tìm kiếm bất kỳ biến dị di truyền nào trong một gen. Các xét nghiệm này thường được sử dụng để xác nhận (hoặc loại trừ) một chẩn đoán cụ thể, đặc biệt khi có nhiều biến thể trong gen có thể gây ra tình trạng bệnh tật được nghi ngờ. 
  • Đa gen (Gene panel): Các xét nghiệm đa gen tìm kiếm các biến thể của nhiều gen cùng lúc. Loại xét nghiệm này thường được sử dụng để chẩn đoán khi một người có các triệu chứng xuất hiện ở nhiều bệnh lý hoặc khi tình trạng nghi ngờ có thể do nhiều biến thể trong nhiều gen gây ra. (Ví dụ, có hàng trăm nguyên nhân di truyền gây ra chứng động kinh.) 
  • Giải trình tự toàn bộ exome (WES) / giải trình tự toàn bộ hệ gen (WGS): Các xét nghiệm này phân tích phần lớn ADN của một cá nhân để tìm ra các biến thể di truyền. Giải trình tự toàn bộ exome hoặc toàn bộ hệ gen thường được sử dụng khi xét nghiệm gen đơn hoặc gene panel không cho kết luận chẩn đoán phù hợp hoặc khi nguyên nhân di truyền không rõ ràng. Giải trình tự toàn bộ exome hoặc toàn bộ hệ gen thường hiệu quả hơn về chi phí và thời gian so với thực hiện nhiều xét nghiệm gen đơn hoặc gene panel đơn lẻ. 
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể là xét nghiệm nhằm phân tích đột biến di truyền ở mức độ nhiễm sắc thể. Những đột biến có thể được tìm thấy bao gồm bản sao thừa hoặc thiếu của nhiễm sắc thể (tương ứng là thể tam nhiễm hoặc một nhiễm), một đoạn lớn của nhiễm sắc thể được thêm vào (nhân đôi) hoặc bị mất, hoặc sắp xếp lại (chuyển vị trí) các đoạn của nhiễm sắc thể. Một số tình trạng di truyền nhất định có liên quan đến những thay đổi nhiễm sắc thể cụ thể và xét nghiệm nhiễm sắc thể có thể được sử dụng khi nghi ngờ một trong những trường hợp này. (Ví dụ, hội chứng Williams là do mất đoạn nhiễm sắc thể số 7.) 
  • Các xét nghiệm biểu hiện gen (gene expression test) xem xét những gen nào được bật (biểu hiện) hoặc tắt (không biểu hiện) trong các loại tế bào khác nhau. Khi một gen được bật, tế bào tạo ra một phân tử gọi là mRNA từ gen và phân tử mRNA được sử dụng như một bản thiết kế để tạo ra protein. Các xét nghiệm biểu hiện gen nghiên cứu mRNA trong tế bào để xác định gen nào đang hoạt động. Sự hoạt động quá nhiều (biểu hiện quá mức) hoặc hoạt động quá ít (không biểu hiện) của một số gen nhất định có thể gợi ý đến các rối loạn di truyền cụ thể, chẳng hạn như nhiều loại ung thư. 
  • Các xét nghiệm sinh hóa không trực tiếp phân tích ADN, nhưng chúng nghiên cứu số lượng hoặc mức độ hoạt động của protein hoặc enzyme được tạo ra từ gen. Sự bất thường trong các chất này có thể chỉ ra rằng có những thay đổi trong ADN dẫn tới rối loạn di truyền. (Ví dụ, mức độ hoạt động của enzyme biotinidase thấp là dấu hiệu của sự thiếu hụt enzyme biotinidase do các đột biến gen BTD gây ra.) 

Xét nghiệm di truyền để làm gì?

Xét nghiệm di truyền nhằm cung cấp thông tin về nền tảng di truyền của một cá thể cụ thể. Công dụng của Xét nghiệm di truyền bao gồm: 

Sàng lọc Sơ sinh (Newborn screening) 

Sàng lọc Sơ sinh được chỉ định ngay sau khi sinh để xác định các rối loạn di truyền có thể được điều trị sớm trong đời. Hàng triệu trẻ sơ sinh được kiểm tra mỗi năm ở Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, sàng lọc sơ sinh được áp dụng phổ biến với đa dạng gói dịch vụ, số lượng chỉ tiêu xét nghiệm có thể lên tới 72 chỉ tiêu. 

Xét nghiệm chẩn đoán (Diagnostic testing) 

Xét nghiệm chẩn đoán được sử dụng để xác định hoặc loại trừ một tình trạng bệnh di truyền hoặc do đột biến nhiễm sắc thể cụ thể. Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm di truyền được sử dụng để xác nhận chẩn đoán khi nghi ngờ một bệnh di truyền cụ thể dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng. Xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện trước khi sinh hoặc bất kỳ lúc nào trong cuộc đời của một người. Kết quả của xét nghiệm chẩn đoán có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của một cá nhân về việc chăm sóc sức khỏe và kiểm soát chứng rối loạn. 

Xét nghiệm thể mang (Carrier testing) 

Xét nghiệm thể mang được sử dụng để xác định những người mang một bản sao của đột biến gen mà khi xuất hiện ở hai bản sao sẽ gây ra rối loạn di truyền. Loại xét nghiệm này được áp dụng cho những cá nhân có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn di truyền và những người ở một số nhóm dân tộc nhất định có nguy cơ mắc các tình trạng di truyền cụ thể cao hơn. Thực hiện xét nghiệm thể mang với cả bố và mẹ có thể cung cấp thông tin về nguy cơ sinh con mắc bệnh di truyền. 

Sàng lọc trước sinh (Prenatal testing)  

Xét nghiệm trước sinh được sử dụng để phát hiện những thay đổi trong gen hoặc nhiễm sắc thể của thai nhi trước khi sinh. Loại xét nghiệm này được thực hiện trong thời kỳ mang thai nếu có nhiều nguy cơ em bé bị rối loạn di truyền hoặc nhiễm sắc thể. Trong một số trường hợp, xét nghiệm trước khi sinh có thể giảm bớt sự không chắc chắn của các cặp vợ chồng hoặc giúp họ đưa ra quyết định mang thai. Tuy nhiên, nó không thể xác định tất cả các rối loạn di truyền và dị tật bẩm sinh. 

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Preimplantation Genetic Testing, PGT) 

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ PGT là một kỹ thuật chuyên biệt có thể làm giảm nguy cơ sinh con bị rối loạn di truyền hoặc đột biến nhiễm sắc thể cụ thể. Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ PGT được sử dụng để phát hiện những biến dị di truyền trong phôi được tạo ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm việc loại bỏ các tế bào trứng từ buồng trứng của phụ nữ và cho chúng thụ tinh với các tế bào tinh trùng bên ngoài cơ thể. Để thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ PGT, một số lượng nhỏ tế bào được lấy từ những phôi này và kiểm tra những biến dị di truyền nhất định. Chỉ những phôi không có thay đổi mới được cấy vào tử cung để bắt đầu mang thai. 

Xét nghiệm tiên lượng và tiền triệu chứng (presymptomatic) 

Xét nghiệm tiên lượng và tiền triệu chứng được sử dụng để phát hiện các đột biến gen liên quan đến các rối loạn xuất hiện trong quá trình sinh trưởng của một cá thể. Các xét nghiệm này có thể hữu ích đối với những người có thành viên gia đình mắc chứng rối loạn di truyền hoặc ung thư di truyền, nhưng bản thân họ không có biểu hiện của chứng rối loạn tại thời điểm xét nghiệm. Xét nghiệm dự đoán có thể xác định các đột biến gene làm tăng nguy cơ phát triển các rối loạn di truyền của một người, chẳng hạn như một số loại ung thư. Xét nghiệm tiền triệu chứng có thể xác định xem một người có phát triển chứng rối loạn di truyền, chẳng hạn như bệnh huyết sắc tố di truyền (một chứng rối loạn quá tải sắt), trước khi bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào xuất hiện. Kết quả của xét nghiệm dự đoán và tiền triệu chứng có thể cung cấp thông tin về nguy cơ phát triển chứng rối loạn cụ thể của một người và giúp đưa ra quyết định về chăm sóc y tế. 

Giám định pháp y 

Giám định pháp y sử dụng trình tự ADN để định danh một cá thể cho các mục đích pháp lý. Không giống như các xét nghiệm được mô tả ở trên, xét nghiệm pháp y không được sử dụng để phát hiện các đột biến gen liên quan đến bệnh tật. Loại xét nghiệm này có thể xác định tội phạm hoặc nạn nhân của thảm họa, loại trừ hoặc liên quan đến nghi phạm tội phạm, hoặc thiết lập mối quan hệ sinh học giữa các cá thể (ví dụ: quan hệ cha con). 

Xét nghiệm di truyền được thực hiện như thế nào? 

Khi một người quyết định tiến hành xét nghiệm di truyền, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ lên lịch xét nghiệm và thường sẽ có tư vấn di truyền trước và sau khi xét nghiệm.  

Các xét nghiệm di truyền thường sử dụng mẫu máu, tóc, da, nước ối (chất lỏng bao quanh thai nhi trong thời kỳ mang thai) hoặc các mô khác. Ví dụ, một số xét nghiệm sử dụng một bàn chải nhỏ hoặc tăm bông để thu thập mẫu niêm mạc miệng (tế bào từ bề mặt bên trong của má). Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm, nơi các kỹ thuật viên thực hiện phân tích các đột biến trong nhiễm sắc thể, ADN hoặc protein, tùy thuộc vào rối loạn di truyền muốn xét nghiệm. Phòng thí nghiệm báo cáo kết quả xét nghiệm bằng văn bản cho bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn di truyền, hoặc gửi kết quả trực tiếp cho bệnh nhân nếu được yêu cầu. 

Xét nghiệm sàng lọc trẻ sơ sinh được thực hiện trên một mẫu máu nhỏ, được lấy bằng cách chích vào gót chân của em bé. Không giống như các loại xét nghiệm di truyền khác, đối với xét nghiệm sàng lọc trẻ sơ sinh, cha hoặc mẹ thường chỉ nhận được kết quả nếu kết quả đó là dương tính. Khi có kết quả xét nghiệm là dương tính, cần thực hiện các xét nghiệm khác để xác định xem em bé có bị rối loạn di truyền hay không. 

Trước khi một người làm xét nghiệm di truyền, khách hàng cần được tư vấn và hiểu rõ quy trình xét nghiệm, những lợi ích và hạn chế của xét nghiệm cũng như hậu quả có thể xảy ra khi biết kết quả xét nghiệm. Sau đó, khách hàng cần xác nhận rằng khách hàng đã hiểu rõ về xét nghiệm bằng cách ký đồng ý vào phiếu “Đồng ý sau khi được giải thích” (informed consent)

Những cá nhân quan muốn làm xét nghiệm di truyền, không thông qua nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trung gian, có thể làm việc trực tiếp công ty xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh hoặc được phát hiện có nguy cơ cao mắc bệnh/rối loạn di truyền được khuyến khích làm việc với chuyên gia tư vấn di truyền hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.

“Đồng ý sau khi được giải thích (informed consent)” là gì? 

Trước khi một người làm xét nghiệm di truyền, điều quan trọng là cần phải hiểu đầy đủ về quy trình xét nghiệm, những lợi ích và hạn chế của xét nghiệm cũng như những hậu quả có thể xảy ra của kết quả xét nghiệm. Quá trình tư vấn cho một người về xét nghiệm và xin phép thực hiện xét nghiệm được gọi là “Đồng ý sau khi được giải thích”. Người được tư vấn có đủ thông tin để đưa ra quyết định về việc xét nghiệm; “sự đồng ý” đề cập đến sự chấp thuận một cách tự nguyện của một người để thực hiện xét nghiệm. 

Nói chung, chỉ những người trưởng thành mới có thể đưa ra các quyết định về y tế cho bản thân. Đối với trẻ em và những người khác không thể tự mình đưa ra quyết định về y tế (chẳng hạn như những người bị mắc các vấn đề về tâm thần), cha mẹ, người giám hộ hoặc người khác có thể chịu trách nhiệm pháp lý về việc đưa ra quyết định thay cho người đó. 

Bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn di truyền sẽ thảo luận về xét nghiệm và trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan. Nếu người được tư vấn muốn làm xét nghiệm, họ cần đọc và ký vào mẫu đơn đồng ý (consent form). 

Một số nội dung được bao gồm trong điều khoản thực hiện: 

  • Mô tả chung về xét nghiệm, bao gồm mục đích của xét nghiệm và điều kiện thực hiện xét nghiệm. 
  • Xét nghiệm sẽ được thực hiện như thế nào (ví dụ: mẫu máu). 
  • Kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì, bao gồm cả kết quả dương tính và âm tính, và khả năng dẫn đến kết quả không có thông tin hoặc kết quả không chính xác, chẳng hạn như dương tính giả hoặc âm tính giả. 
  • Bất kỳ rủi ro thể chất hoặc cảm xúc nào liên quan đến xét nghiệm. 
  • Kết quả có thể được sử dụng cho mục đích nghiên cứu hay không. 
  • Liệu kết quả có thể cung cấp thông tin về sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình, bao gồm nguy cơ phát triển một bệnh lý cụ thể hoặc khả năng sinh con có bị ảnh hưởng không. 
  • Kết quả xét nghiệm sẽ được báo cáo như thế nào, cho ai và có thể tiết lộ kết quả trong những trường hợp nào (ví dụ, cho các nhà cung cấp bảo hiểm y tế). 
  • Điều gì sẽ xảy ra với mẫu thử sau khi xét nghiệm hoàn tất. 
  • Công nhận rằng người thực hiện xét nghiệm có cơ hội được tư vấn về kết quả xét nghiệm với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 
  • Chữ ký của người yêu cầu xét nghiệm và có thể là chữ ký của một nhân chứng. 

Các nội dung của sự đồng ý có thể khác nhau, tùy theo quy định của luật pháp tại quốc gia sở tại và của đơn vị thực hiện. Sự đồng ý cho phép thực hiện xét nghiệm không phải là một hợp đồng, vì vậy cá nhân có thể thay đổi quyết định của mình bất kỳ lúc nào sau khi đưa ra sự đồng ý ban đầu. Cá nhân có thể chọn không thực hiện xét nghiệm di truyền ngay cả sau khi mẫu xét nghiệm đã được thu thập. Cá nhân chỉ cần thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ nếu quyết định không tiếp tục xét nghiệm. 

Làm thế nào tôi có thể chắc chắn rằng một xét nghiệm di truyền là hợp lệ và hữu ích? 

Trước khi thực hiện xét nghiệm di truyền, điều quan trọng là phải chắc chắn rằng xét nghiệm đó hợp lệ và hữu ích. Một xét nghiệm di truyền là hợp lệ nếu nó cung cấp kết quả chính xác. Hai thước đo độ chính xác chính áp dụng cho các xét nghiệm di truyền: giá trị phân tích và giá trị lâm sàng. Một thước đo khác để đánh giá chất lượng của xét nghiệm di truyền là tính hữu ích của nó, hay tiện ích lâm sàng. 

Giá trị phân tích đề cập đến khả năng một xét nghiệm dự đoán được sự hiện diện, thiếu hụt hoặc thay đổi của một gen cụ thể. Nói cách khác, xét nghiệm đó liệu có thể phát hiện chính xác liệu một biến thể di truyền cụ thể là có hay không? 

Giá trị lâm sàng đề cập đến mức độ liên quan của biến thể di truyền được phân tích đối với sự hiện diện, thiếu hụt hoặc nguy cơ của một bệnh cụ thể. 

Tiện ích lâm sàng đề cập đến việc liệu xét nghiệm có thể cung cấp thông tin hữu ích về chẩn đoán, điều trị, quản lý hoặc phòng ngừa bệnh hay không. 

Tất cả các phòng thí nghiệm thực hiện xét nghiệm liên quan đến sức khỏe, bao gồm xét nghiệm di truyền, phải tuân theo các tiêu chuẩn thuộc Quy định cải tiến xét nghiệm lâm sàng (CLIA). Các tiêu chuẩn này bao gồm cách thức thực hiện các xét nghiệm, trình độ của nhân viên phòng thí nghiệm và các quy trình kiểm tra và kiểm soát chất lượng cho mỗi phòng thí nghiệm. Bộ quy định CLIA được thiết kế để đảm bảo tính hợp lệ trong phân tích của các xét nghiệm di truyền. 

Kết quả của các xét nghiệm di truyền có ý nghĩa gì? 

Kết quả của các xét nghiệm di truyền không phải lúc nào cũng dễ hiểu, khiến việc diễn giải và giải thích trở nên khó khăn. Do đó, điều quan trọng là bệnh nhân và gia đình của họ phải đặt câu hỏi về ý nghĩa tiềm ẩn của kết quả xét nghiệm di truyền cả trước và sau khi xét nghiệm được thực hiện. Khi giải thích kết quả xét nghiệm, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần xem xét tiền sử bệnh, tiền sử gia đình của cá nhân và loại xét nghiệm di truyền đã được thực hiện. 

Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là đã tìm thấy sự thay đổi trong gen, nhiễm sắc thể hoặc protein cụ thể mà bạn quan tâm. Tùy thuộc vào mục đích của xét nghiệm, kết quả này có thể xác nhận chẩn đoán, chỉ ra rằng cá nhân là người mang một biến thể di truyền cụ thể, xác định nguy cơ gia tăng phát triển bệnh (chẳng hạn như ung thư) hoặc đề xuất cần xét nghiệm thêm. Bởi vì các thành viên trong gia đình có một số điểm chung về vật chất di truyền, kết quả xét nghiệm dương tính cũng có thể có ý nghĩa đối với một số người có quan hệ huyết thống của người được xét nghiệm. Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả dương tính của xét nghiệm di truyền thường không thể xác định chính xác nguy cơ phát triển chứng rối loạn. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường không thể sử dụng kết quả xét nghiệm dương tính để dự đoán diễn biến hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Rất hiếm khi kết quả xét nghiệm có thể là dương tính giả. 

Kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là  không tìm thấy sự thay đổi được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc sự phát triển trong gen, nhiễm sắc thể hoặc protein đang được xem xét. Kết quả này có thể chỉ ra rằng một người không bị ảnh hưởng bởi một chứng rối loạn cụ thể, không phải là người mang một biến thể di truyền cụ thể hoặc không có nguy cơ phát triển một bệnh nhất định. Tuy nhiên, có thể xét nghiệm này đã bỏ sót một biến đổi gen gây bệnh vì nhiều xét nghiệm không thể phát hiện tất cả các biến dị di truyền có thể gây ra một chứng rối loạn cụ thể. Có thể cần phải kiểm tra thêm hoặc kiểm tra lại sau đó để xác nhận kết quả âm tính. Rất hiếm khi, kết quả xét nghiệm có thể là âm tính giả. 

Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm có thể không cung cấp bất kỳ thông tin hữu ích nào. Loại kết quả này được gọi là không thông tin, không xác định, không xác định được hoặc không rõ ràng. Các kết quả xét nghiệm không thống nhất đôi khi xảy ra vì mọi người đều có những biến thể chung, tự nhiên trong ADN của họ, được gọi là đa hình, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu xét nghiệm di truyền phát hiện ra một sự thay đổi trong ADN chưa được xác nhận là có vai trò trong sự phát triển của bệnh, được gọi là một biến thể có ý nghĩa không chắc chắn (VUS hoặc VOUS), có thể khó phân biệt đó là đa hình tự nhiên hay một biến dị di truyền gây bệnh. Đối với những biến dị này, có thể không có đủ nghiên cứu khoa học để xác nhận hoặc bác bỏ mối liên quan của chúng với bệnh. Một kết quả không thông tin không thể xác nhận hoặc loại trừ một chẩn đoán cụ thể và nó không thể chỉ ra liệu một người có tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn hay không. Trong một số trường hợp, xét nghiệm các thành viên khác trong gia đình bị ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng có thể giúp làm rõ loại kết quả này. 

Chi phí xét nghiệm di truyền là bao nhiêu và bao lâu thì có kết quả? 

Chi phí xét nghiệm di truyền có thể dao động từ dưới 100 USD đến hơn 2.000 USD, tùy thuộc vào tính chất và độ phức tạp của xét nghiệm. Chi phí sẽ tăng lên nếu cần nhiều hơn một xét nghiệm hoặc nếu nhiều thành viên trong gia đình phải được xét nghiệm để có được một kết quả tin cậy. 

Kể từ ngày lấy mẫu, có thể mất vài ngày đến vài tuần để nhận được kết quả xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm trước khi sinh thường nhanh hơn vì thời gian là yếu tố quan trọng cần cân nhắc để đưa ra quyết định mang thai. Bác sĩ hoặc nhà tư vấn di truyền khi yêu cầu một xét nghiệm cụ thể có thể cung cấp thông tin cụ thể về chi phí và khung thời gian liên quan đến xét nghiệm đó.

Bảo hiểm y tế sẽ chi trả các chi phí xét nghiệm di truyền? 

Trong nhiều trường hợp, các chương trình bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí xét nghiệm di truyền khi bác sĩ của bệnh nhân đề nghị. Tuy nhiên, các nhà cung cấp bảo hiểm y tế có các chính sách khác nhau về những xét nghiệm nào được chi trả. Bệnh nhân có thể muốn liên hệ với công ty bảo hiểm của họ trước khi xét nghiệm để hỏi về bảo hiểm. 

Những người đang cân nhắc xét nghiệm di truyền có thể muốn tìm hiểu thêm về luật bảo vệ quyền riêng tư của nước sở tại trước khi họ yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả chi phí. 

ĐỌC THÊM:  Giải trình tự Epigenomics (Phân tích DNA Methylation)

Lợi ích của xét nghiệm di truyền là gì? 

Xét nghiệm di truyền có những lợi ích tiềm năng cho dù kết quả là dương tính hay âm tính đối với đột biến gen. Kết quả xét nghiệm có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm khi không chắc chắn và giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt về việc quản lý chăm sóc sức khỏe của họ. Ví dụ, một kết quả âm tính có thể loại bỏ nhu cầu kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc không cần thiết trong một số trường hợp. Kết quả dương tính có thể hướng một người đến các lựa chọn phòng ngừa, giám sát và điều trị có hiệu quả. Một số kết quả xét nghiệm cũng có thể giúp mọi người đưa ra quyết định về việc có con. Sàng lọc trẻ sơ sinh có thể xác định sớm các rối loạn di truyền trong cuộc đời để có thể bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. 

Xét nghiệm di truyền có rủi ro và hạn chế gì? 

Các rủi ro vật lý liên quan đến hầu hết các xét nghiệm di truyền là rất nhỏ, đặc biệt đối với những xét nghiệm chỉ yêu cầu lấy mẫu máu hoặc tế bào niêm mạc miệng (một phương pháp lấy mẫu tế bào từ bề mặt bên trong của má). Phương pháp lấy mẫu trong xét nghiệm sàng lọc trước sinh (được gọi là chọc dò màng ối và lấy mẫu nhung mao màng đệm) có thể gây sẩy thai vì cần lấy mẫu nước ối hoặc mô từ xung quanh thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ.  

Xét nghiệm di truyền có thể dẫn đến các rủi ro về cảm xúc, xã hội hoặc tài chính khi nhận kết quả xét nghiệm. Mọi người có thể cảm thấy tức giận, chán nản, lo lắng hoặc tội lỗi về kết quả của họ. Trong một số trường hợp, xét nghiệm di truyền tạo ra căng thẳng trong một gia đình vì kết quả có thể tiết lộ thông tin về các thành viên khác trong gia đình ngoài thông tin về người được xét nghiệm. Ngoài ra kết quả di tuyền có thể dẫn đến sự phân biệt khi tìm kiếm việc làm hoặc mua bảo hiểm. 

Xét nghiệm di truyền chỉ có thể cung cấp thông tin hạn chế về tình trạng di truyền. Xét nghiệm thường không thể xác định một người có xuất hiện các triệu chứng của bệnh hay không, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hoặc bệnh có tiến triển theo thời gian hay không. Một hạn chế lớn khác là thiếu các chiến lược điều trị cho người măc bệnh/ rối loạn di truyền khi được chẩn đoán. 

Một chuyên gia di truyền học có thể giải thích chi tiết những lợi ích, rủi ro và hạn chế của một xét nghiệm cụ thể. Điều quan trọng là bất kỳ người nào đang xem xét thực hiện xét nghiệm di truyền đều hiểu và cân nhắc các yếu tố này trước khi đưa ra quyết định.

Phân biệt đối xử về di truyền là gì?

Sự phân biệt đối xử về di truyền xảy ra khi mọi người bị chủ lao động hoặc công ty bảo hiểm đối xử khác biệt vì họ có đột biến gen gây ra hoặc làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn di truyền. Sợ bị phân biệt đối xử là mối quan tâm chung của những người đang cân nhắc việc xét nghiệm di truyền. 

Ở Mỹ, một số luật ở cấp liên bang và tiểu bang giúp bảo vệ mọi người chống lại sự phân biệt đối xử về di truyền. Đặc biệt, một đạo luật liên bang được gọi là Đạo luật Không phân biệt đối xử về Thông tin Di truyền (GINA) được thiết kế để bảo vệ mọi người khỏi hình thức phân biệt đối xử này. 

GINA có hai phần: Title I, cấm phân biệt đối xử di truyền trong bảo hiểm y tế và Title II, cấm phân biệt di truyền trong việc làm. Title I cấm các nhà cung cấp bảo hiểm y tế sử dụng hoặc yêu cầu thông tin di truyền để đưa ra quyết định về khả năng đủ điều kiện hoặc phạm vi bảo hiểm của một người. Phần này của luật có hiệu lực vào ngày 21 tháng 5 năm 2009. Title II quy định người sử dụng lao động sử dụng thông tin di truyền của một người khi đưa ra quyết định về tuyển dụng, thăng chức và một số điều khoản tuyển dụng khác là bất hợp pháp. Phần này của luật có hiệu lực từ ngày 21 tháng 11 năm 2009. 

GINA và các luật khác không bảo vệ mọi người khỏi sự phân biệt đối xử về di truyền trong mọi trường hợp. Ví dụ: GINA không áp dụng khi chủ nhân có ít hơn 15 nhân viên. GINA cũng không bảo vệ chống lại sự phân biệt đối xử về di truyền trong các hình thức bảo hiểm khác ngoài bảo hiểm sức khỏe, chẳng hạn như bảo hiểm nhân thọ, tàn tật hoặc chăm sóc dài hạn.

Các gen có thể được cấp bằng sáng chế không? 

Bằng sáng chế về gen là chứng nhận độc quyền đối với một chuỗi ADN (gen) cụ thể do chính phủ cấp cho cá nhân, tổ chức hoặc công ty tuyên bố đã xác định được gen đầu tiên. Sau khi được cấp bằng sáng chế về gen, người nắm giữ bằng sáng chế sẽ chỉ định cách gen có thể được sử dụng, trong cả môi trường thương mại, chẳng hạn như xét nghiệm di truyền lâm sàng và trong các môi trường phi thương mại, bao gồm cả nghiên cứu, trong 20 năm kể từ ngày cấp bằng sáng chế. Bằng sáng chế gen thường dẫn đến việc các công ty có quyền sở hữu duy nhất đối với việc xét nghiệm gen cho các gen đã được cấp bằng sáng chế. 

Vào ngày 13 tháng 6 năm 2013, trong trường hợp của Hiệp hội Bệnh học Phân tử kiện công ty Myriad Genetics, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng gen của con người không thể được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ vì ADN là “sản phẩm của tự nhiên.” Tòa quyết định rằng vì không có gì mới được tạo ra khi phát hiện ra một gen, không có tài sản trí tuệ để bảo vệ nên không thể cấp bằng sáng chế. Trước phán quyết này, hơn 4.300 gen của con người đã được cấp bằng sáng chế. Quyết định của Tòa án Tối cao đã làm mất hiệu lực của các bằng sáng chế gen đó, khiến các gen này có thể tiếp cận được để nghiên cứu và xét nghiệm di truyền thương mại. 

Phán quyết của Tòa án Tối cao cho phép ADN được thao tác trong phòng thí nghiệm đủ điều kiện để được cấp bằng sáng chế vì các chuỗi ADN bị thay đổi bởi con người không được tìm thấy trong tự nhiên. Tòa án đã đề cập cụ thể đến khả năng cấp bằng sáng chế cho một loại ADN được gọi là ADN bổ sung (cADN). ADN tổng hợp này được tạo ra từ phân tử đóng vai trò hướng dẫn tạo ra protein (được gọi là RNA thông tin). 

Xét nghiệm sàng lọc di truyền khác với xét nghiệm chẩn đoán di truyền như thế nào? 

Các xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ phát triển tình trạng di truyền của một cá nhân, trong khi các xét nghiệm chẩn đoán xác nhận các tình trạng di truyền. Tất cả các xét nghiệm di truyền đều có cả lợi ích và hạn chế. 

Các xét nghiệm sàng lọc di truyền thường được sử dụng ở những người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của rối loạn. Các xét nghiệm này ước tính xem liệu nguy cơ mắc một bệnh di truyền nào đó của một cá nhân tăng lên hay giảm xuống so với nguy cơ ở những người khác trong một quần thể tương tự. Kết quả dương tính có nghĩa là nguy cơ phát triển tình trạng bệnh của một người cao hơn mức trung bình. Xét nghiệm sàng lọc âm tính có nghĩa là nguy cơ của một người thấp hơn mức trung bình. Tuy nhiên, có một kết quả sàng lọc dương tính không có nghĩa là người đó có tình trạng bệnh. Bởi vì các xét nghiệm sàng lọc chỉ là ước tính, trong một số trường hợp, kết quả cho thấy nguy cơ bất thường di truyền tăng lên khi người đó thực sự không bị ảnh hưởng (dương tính giả) hoặc kết quả cho thấy giảm nguy cơ dị tật di truyền khi người đó thực sự bị ảnh hưởng (âm tính giả). Mặc dù các xét nghiệm sàng lọc di truyền không đưa ra câu trả lời chính xác, nhưng chúng có thể giúp hướng dẫn các bước tiếp theo, chẳng hạn như có cần xét nghiệm chẩn đoán bổ sung hay không. 

Các xét nghiệm chẩn đoán di truyền thường được sử dụng ở những người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh di truyền. Các xét nghiệm này được sử dụng để xác nhận hoặc loại trừ các tình trạng di truyền nghi ngờ. Các xét nghiệm chẩn đoán cũng có thể giúp thông báo về cơ hội phát triển bệnh di truyền của một người hoặc nguy cơ di truyền bệnh  cho con cái của họ. Xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện trước khi sinh hoặc bất kỳ lúc nào trong cuộc đời của một người, nhưng nó không xét nghiệm tất cả các gen hoặc tất cả các bệnh di truyền. Kết quả của xét nghiệm chẩn đoán có thể được sử dụng để hướng dẫn lựa chọn của một người về việc chăm sóc sức khỏe và kiểm soát chứng rối loạn. 

Ví dụ về các xét nghiệm sàng lọc di truyền bao gồm: 

  • Sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT / NIPS): Xét nghiệm sàng lọc này được thực hiện trước khi sinh để giúp xác định nguy cơ thai nhi sinh ra mắc một số bất thường di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down và các rối loạn nhiễm sắc thể khác. 
  • Sàng lọc trẻ sơ sinh: Tại Hoa Kỳ, xét nghiệm sàng lọc được thực hiện trên tất cả trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh. Xét nghiệm này có thể đánh giá nguy cơ phát triển hơn 35 bệnh di truyền. Đối với nhiều bệnh như vậy, xét nghiệm phân tích các mức protein và enzyme khác nhau, những mức độ này sẽ là bất thường ở những người bị ảnh hưởng. 

Ví dụ về các xét nghiệm chẩn đoán di truyền bao gồm: 

  • Xét nghiệm gen: Những xét nghiệm này xác định thứ tự của các khối xây dựng ADN (nucleotide) trong mã di truyền của một cá nhân, một quá trình được gọi là giải trình tự ADN. Mục đích của các xét nghiệm này là để xác định những biến dị di truyền có thể gây ra bệnh. 
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể: Các xét nghiệm này phân tích toàn bộ nhiễm sắc thể hoặc độ dài dài của ADN để xác định những thay đổi quy mô lớn, chẳng hạn như bản sao thừa hoặc thiếu của nhiễm sắc thể (tương ứng là tam nhiễm hoặc đơn bào) hoặc bất thường của các đoạn nhiễm sắc thể lớn, làm cơ sở cho một số điều kiện di truyền nhất định.

Xét nghiệm di truyền trong cơ sở nghiên cứu khác với xét nghiệm di truyền lâm sàng như thế nào? 

Sự khác biệt chính giữa xét nghiệm di truyền lâm sàng và xét nghiệm nghiên cứu là mục đích của xét nghiệm và người nhận kết quả. Các mục tiêu của xét nghiệm nghiên cứu bao gồm tìm ra các gen chưa biết, tìm hiểu cách thức hoạt động của gen, phát triển các xét nghiệm để sử dụng trong lâm sàng trong tương lai và nâng cao hiểu biết của chúng ta về các tình trạng di truyền. Kết quả xét nghiệm được thực hiện như một phần của nghiên cứu thường không có sẵn cho bệnh nhân hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ. Ngược lại, xét nghiệm lâm sàng được thực hiện để tìm ra chứng rối loạn di truyền ở một bệnh nhân hoặc gia đình. Mọi người nhận được kết quả của xét nghiệm lâm sàng và có thể sử dụng chúng để giúp họ đưa ra quyết định về chăm sóc y tế hoặc các vấn đề sinh sản. 

Điều quan trọng đối với những người đang xem xét xét nghiệm di truyền là biết liệu xét nghiệm có sẵn trên cơ sở lâm sàng hoặc nghiên cứu hay không. Cả xét nghiệm lâm sàng và nghiên cứu đều liên quan đến một quá trình “Đồng ý sau khi được giải thích”, trong đó bệnh nhân tìm hiểu về quy trình xét nghiệm, rủi ro và lợi ích của xét nghiệm cũng như hậu quả tiềm ẩn của xét nghiệm.

Giải trình tự toàn bộ exome (WES) và giải trình tự toàn bộ hệ gen (WGS) là gì? 

Xác định thứ tự của các ba-zơ ADN (nucleotide) trong mã di truyền của một cá nhân, được gọi là giải trình tự ADN. Việc giải trình tự ADN đã thúc đẩy nghiên cứu về di truyền học và là một kỹ thuật được sử dụng để xét nghiệm các rối loạn di truyền. Hai phương pháp giải trình tự toàn bộ exome và giải trình tự toàn bộ hệ gen ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe để xác định các biến dị di truyền; cả hai phương pháp đều dựa vào công nghệ đọc trình tự thế hệ mới (Next Generation sequencing – NGS) cho phép giải trình tự nhanh chóng một lượng lớn ADN.  

Công nghệ giải trình tự cũ, được gọi là giải trình tự Sanger (được đặt theo tên của nhà khoa học đã phát triển nó, Frederick Sanger), là một bước đột phá giúp các nhà khoa học xác định mã di truyền của con người, nhưng nó tốn nhiều thời gian và tốn kém. Phương pháp Sanger đã được tự động hóa để làm cho nó nhanh hơn và vẫn được sử dụng trong các phòng thí nghiệm ngày nay để giải trình tự các đoạn ADN ngắn, nhưng sẽ mất nhiều năm để giải trình tự tất cả ADN của một người (được gọi là bộ gen của người đó). Giải trình tự thế hệ mới NGS có thể giải mã toàn bộ hệ gen của một người trong vòng vài ngày với chi phí hợp lý. 

Với công nghệ NGS, việc đọc toàn bộ các đoạn trình tự ADN mã hóa protein, hay còn gọi là exome. Exome được cho là chỉ chiếm khoảng 1% của hệ gen người (genome). Phương pháp giải trình tự toàn bộ exome (whole exome sequencing – WES) này cho phép xác định các biến thể trong vùng mã hóa protein của bất kỳ gen nào, thay vì chỉ trong một số gen được chọn. Bởi vì hầu hết các đột biến đã biết gây bệnh xảy ra ở các exon, giải trình tự toàn bộ exome được cho là một phương pháp hiệu quả để xác định các đột biến có thể gây bệnh. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các biến thể ADN bên ngoài exon có thể ảnh hưởng đến hoạt động gen và sản xuất protein, đồng thời dẫn đến rối loạn di truyền – những biến thể mà toàn bộ trình tự exome sẽ bỏ lỡ. Một phương pháp khác, được gọi là giải trình tự toàn bộ hệ gen (Whole Genome Sequencing – WGS), xác định thứ tự của tất cả các nucleotide có trong hệ gen của một cá nhân và có thể xác định các biến thể trong bất kỳ phần nào của hệ gen. 

Trong khi nhiều biến dị di truyền hơn có thể được xác định bằng giải trình tự toàn bộ exome và toàn bộ hệ gen hơn so với giải trình tự gen chọn lọc, ý nghĩa của phần lớn thông tin này vẫn chưa được biết. Bởi vì không phải tất cả các biến dị di truyền đều ảnh hưởng đến sức khỏe, rất khó để biết liệu các biến thể được xác định có liên quan đến tình trạng quan tâm hay không. Đôi khi, một biến thể được xác định có liên quan đến một rối loạn di truyền khác chưa được chẩn đoán (chúng được gọi là những phát hiện ngẫu nhiên hoặc thứ phát). 

Ngoài việc được sử dụng trong bệnh viện hay phòng khám, giải trình tự toàn bộ exome và toàn bộ hệ gen là những phương pháp có giá trị đối với các nhà nghiên cứu. Việc tiếp tục nghiên cứu trình tự gen và exome có thể giúp xác định xem liệu các biến thể di truyền mới có liên quan đến tình trạng sức khỏe hay không, điều này sẽ hỗ trợ chẩn đoán bệnh trong tương lai.

Những phát hiện thứ cấp từ xét nghiệm di truyền là gì? 

Phát hiện thứ cấp là kết quả xét nghiệm di truyền cung cấp thông tin về những thay đổi (biến thể) trong gen không liên quan đến mục đích chính của xét nghiệm. Ví dụ, trong quá trình phân tích để tìm đột biến di truyền liên quan tới bệnh A (bệnh đang quan tâm), nhưng lại phát hiện đột biến di truyền liên quan tới bệnh B. 

Khi bác sĩ lâm sàng yêu cầu xét nghiệm di truyền để khám phá nguyên nhân di truyền của một tình trạng cụ thể, xét nghiệm thường sẽ giải trình tự một hoặc một vài gen có vẻ có nhiều khả năng liên quan đến tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng của cá nhân đó. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu và triệu chứng của cá nhân không có nguyên nhân di truyền rõ ràng, bác sĩ lâm sàng có thể yêu cầu xét nghiệm toàn bộ trình tự ADN mã hóa protein (gọi là exome) hoặc toàn bộ trình tự hệ gen. Các xét nghiệm này được gọi là giải trình tự toàn bộ exome WES và giải trình tự toàn bộ hệ gen WGS, tương ứng. 

Khi sử dụng xét nghiệm WES hoặc WGS, toàn bộ biến dị di truyền của một cá thể sẽ được phát hiện và phân tích đánh giá. Và do đó, đôi khi xét nghiệm WES hoặc WGS có thể phát hiện ra các biến dị di truyền liên quan tới bệnh di truyền khác mà không liên quan tới bệnh di truyền đang xem xét. Đây được gọi là một phát hiện thứ cấp. Một số người có phát hiện thứ cấp có thể chưa có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến các biến dị thứ cấp này, nhưng có thể có nguy cơ phát triển bệnh này sau này trong cuộc sống. Ví dụ, một người có một biến thể trong gen BRCA1, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, có thể không bị ung thư. Những cá nhân khác có phát hiện thứ cấp có thể có một tình trạng y tế đã biết, chẳng hạn như cholesterol cực cao, nhưng nhận được kết quả cho thấy nguyên nhân di truyền gây ra tình trạng đó, chẳng hạn như một biến thể trong gen LDLR. 

Vào năm 2013, và các năm năm 2017 và 2021, American College of Medical Genetics and Genomics (ACMG) khuyến nghị rằng tất cả các phòng thí nghiệm thực hiện các xét nghiệm WGS và WES đều báo cáo các phát hiện thứ cấp cụ thể, ngoài bất kỳ biến thể nào được tìm thấy liên quan đến mục đích của xét nghiệm. Trong các khuyến nghị cập nhật năm 2021, ACMG đã đề xuất một danh sách gồm 73 gen có liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, từ ung thư đến bệnh tim. 73 gen mà các phát hiện thứ cấp được báo cáo đã được chọn vì chúng có liên quan đến các tình trạng có một nhóm đặc điểm lâm sàng có thể xác định, khả năng chẩn đoán sớm, xét nghiệm di truyền lâm sàng đáng tin cậy và can thiệp hoặc điều trị hiệu quả. Mục tiêu của việc báo cáo những phát hiện thứ cấp này cho một cá nhân là mang lại lợi ích y tế bằng cách ngăn ngừa hoặc quản lý tốt hơn các tình trạng sức khỏe. Các biến thể được báo cáo là gây bệnh. Các biến thể có ý nghĩa không xác định (VUS), có liên quan đến bệnh tật tại thời điểm hiện tại là không rõ ràng, không được báo cáo. 

Thông tin được cung cấp bởi các phát hiện thứ cấp có thể rất quan trọng vì nó có thể giúp ngăn ngừa bệnh xảy ra hoặc hướng dẫn quản lý các dấu hiệu và triệu chứng nếu bệnh phát triển hoặc đã xuất hiện. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại chẩn đoán y tế nào, tin tức về một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn không mong muốn có thể dẫn đến chi phí sức khỏe bổ sung và căng thẳng cho cá nhân và gia đình của họ. Trên cơ sở các phát hiện thứ cấp, có thể tư vấn thêm các xét nghiệm để xác nhận kết quả, xét nghiệm sàng lọc liên tục hoặc chăm sóc phòng ngừa. Các cá nhân nhận giải trình tự toàn bộ exome hoặc toàn bộ hệ gen có thể chọn “không tham gia” phân tích 73 gen tìm kiếm thứ cấp và không nhận kết quả biến thể. Khi toàn bộ exome và toàn bộ trình tự bộ gen trở nên phổ biến hơn, điều quan trọng là các cá nhân phải hiểu loại thông tin họ có thể học và cách nó có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc y tế của họ.

Sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPS) là gì và nó có thể tầm soát những rối loạn di truyền nào? 

Sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPS), đôi khi được gọi là xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT), là một phương pháp xác định nguy cơ thai nhi sinh ra với một số bất thường di truyền. Xét nghiệm này phân tích các đoạn ADN nhỏ đang lưu hành trong máu của phụ nữ mang thai. Không giống như hầu hết ADN mà được tìm thấy bên trong nhân tế bào, những đoạn ADN này trôi nổi tự do và không nằm trong tế bào, vì vậy được gọi là ADN không tế bào (cfDNA). Những đoạn ADN nhỏ này thường có độ dài 200 nuleotide (cặp bazơ) và phát sinh khi tế bào chết đi và bị phá vỡ và giải phóng toàn bộ vật chất có trong tế bào, bao gồm cả ADN, vào máu. 

Trong thời kỳ mang thai, máu của mẹ chứa hỗn hợp cfDNA đến từ tế bào của mẹ và tế bào từ nhau thai. Nhau thai là mô trong tử cung liên kết giữa thai nhi và nguồn cung cấp máu của người mẹ. Những tế bào này được đưa vào máu của mẹ trong suốt thai kỳ. ADN trong tế bào nhau thai thường giống với ADN của thai nhi. Phân tích cfDNA từ nhau thai tạo cơ hội phát hiện sớm các bất thường di truyền nhất định mà không gây hại cho thai nhi. 

NIPT thường được sử dụng nhiều nhất để tìm kiếm các rối loạn nhiễm sắc thể gây ra bởi sự hiện diện của một bản sao thừa hoặc thiếu (thể dị bội) của nhiễm sắc thể. NIPT chủ yếu tìm kiếm hội chứng Down (tam nhiễm sắc thể 21, do thừa nhiễm sắc thể 21), tam nhiễm sắc thể 18 (do thừa nhiễm sắc thể 18), tam nhiễm sắc thể 13 (do thừa nhiễm sắc thể 13) và các bản sao thừa hoặc thiếu của nhiễm sắc thể X và Nhiễm sắc thể Y (nhiễm sắc thể giới tính). Độ chính xác của xét nghiệm thay đổi tùy theo tình trạng rối loạn. 

NIPT có thể bao gồm sàng lọc các rối loạn nhiễm sắc thể bổ sung gây ra bởi các đoạn bị thiếu (bị xóa) hoặc được sao chép (nhân bản) của nhiễm sắc thể. NIPT đang bắt đầu được sử dụng để kiểm tra các rối loạn di truyền gây ra bởi những thay đổi (biến thể) trong các gen đơn lẻ. Khi công nghệ được cải thiện và chi phí xét nghiệm di truyền giảm xuống, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng NIPT sẽ có sẵn cho nhiều loại bệnh di truyền hơn. 

NIPT được coi là không xâm lấn vì nó chỉ yêu cầu lấy máu từ người phụ nữ mang thai và không gây bất kỳ nguy cơ nào cho thai nhi. NIPT là một xét nghiệm sàng lọc, có nghĩa là nó sẽ không đưa ra câu trả lời chắc chắn về việc thai nhi có di truyền hay không. Xét nghiệm chỉ có thể ước tính xem nguy cơ mắc một số điều kiện tăng hay giảm. Trong một số trường hợp, kết quả NIPT cho thấy nguy cơ bất thường di truyền tăng lên khi thai nhi thực sự không bị ảnh hưởng (dương tính giả), hoặc kết quả cho thấy giảm nguy cơ dị tật di truyền khi thai nhi thực sự bị ảnh hưởng (âm tính giả). Vì NIPT phân tích cả cfDNA của thai nhi và mẹ, nên xét nghiệm có thể phát hiện tình trạng di truyền ở mẹ. 

Phải có đủ cfDNA của thai nhi trong máu của mẹ để có thể xác định các bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi. Tỷ lệ cfDNA trong máu mẹ đến từ nhau thai được gọi là phần thai nhi. Nói chung, phân số thai nhi phải trên 4%, thường xảy ra vào khoảng tuần thứ 10 của thai kỳ. Phân số thai nhi thấp có thể dẫn đến không thể thực hiện xét nghiệm hoặc kết quả âm tính giả. Những lý do khiến phân số thai nhi thấp bao gồm xét nghiệm quá sớm trong thai kỳ, sai sót trong quá trình lấy mẫu, béo phì ở mẹ và bất thường thai nhi. 

Có nhiều phương pháp NIPT để phân tích cfDNA của thai nhi. Để xác định thể dị bội nhiễm sắc thể, phương pháp phổ biến nhất là đếm tất cả các đoạn cfDNA (cả thai và mẹ). Nếu tỷ lệ các đoạn cfDNA từ mỗi nhiễm sắc thể là như mong đợi, thì thai nhi sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể (kết quả xét nghiệm âm tính). Nếu tỷ lệ phần trăm các đoạn cfDNA từ một nhiễm sắc thể cụ thể nhiều hơn dự kiến, thì thai nhi sẽ tăng khả năng mắc bệnh tam nhiễm (kết quả xét nghiệm dương tính). Kết quả sàng lọc dương tính chỉ ra rằng cần thực hiện thêm xét nghiệm (gọi là xét nghiệm chẩn đoán, vì nó được sử dụng để chẩn đoán bệnh) để xác nhận kết quả.

ADN khối u tuần hoàn là gì và nó được sử dụng như thế nào để chẩn đoán và quản lý ung thư? 

ADN khối u tuần hoàn (ctDNA) được tìm thấy trong máu và có nguồn gốc từ các tế bào ung thư và khối u. Khi một khối u phát triển, các tế bào chết đi và được thay thế bằng những tế bào mới. Các tế bào chết bị phá vỡ và ADN của nó được giải phóng vào máu. ctDNA là những đoạn ADN nhỏ, thường có độ dài khoảng 200 nucleotide. Số lượng ctDNA khác nhau giữa các cá nhân và phụ thuộc vào loại khối u, vị trí của nó và đối với các khối u ung thư, giai đoạn ung thư. 

Việc phát hiện ctDNA có thể hữu ích trong những trường hợp sau: 

  • Phát hiện và chẩn đoán khối u: Bởi vì ADN của khối u đã mắc phải nhiều biến dị di truyền (các biến thể), dẫn đến sự phát triển của khối u. Do đó, phân tích biến dị di truyền trên các ctDNA có thể hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán khối u. Do một số khối u rất khó tiếp cận như u trong não hoặc phổi, việc sinh thiết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc chẩn đoán loại khối u bằng ctDNA có thể giúp giảm xâm lân đối với bệnh nhân. Chẩn đoán loại khối u bằng ctDNA còn được gọi là sinh thiết lỏng (liquid biopsy).  
  • Hướng dẫn điều trị đặc hiệu khối u. Phân tích bộ gen của các tế bào khối u bằng cách sử dụng ctDNA có thể giúp các bác sĩ xác định phương pháp điều trị nào sẽ hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện tại, sự chấp thuận của FDA Hoa Kỳ đối với xét nghiệm ctDNA để cá nhân hóa điều trị ung thư còn hạn chế. 
  • Theo dõi điều trị. Số lượng ctDNA giảm cho thấy khối u đang thu nhỏ và điều trị thành công. 
  • Theo dõi các giai đoạn không có triệu chứng (thuyên giảm ung thư). Việc không phát hiện được ctDNA trong máu cho thấy ung thư chưa quay trở lại.

 

Bài viết được dịch từ Medlineplus – https://medlineplus.gov/

LOBI Vietnam là công ty tiên phong trong lĩnh vực Đọc trình tự gen thế hệ mới NGS (Next Generation Sequencing) và Phân tích Tin sinh học. Liên hệ hotline/Zalo 092.510.8899 để biết thêm chi tiết.

ĐỌC THÊM:  Kỹ thuật Genotyping by Sequencing là gì và hoạt động như thế nào?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *